Monday, November 2, 2015

GIẢI PHẪU NIỆU QUẢN

GIẢI PHẪU NIỆU QUẢN
Bs Nguyễn Tiến Trung

1. Hình thể ngoài:
- Niệu quản nằm sau phúc mạc, dọc 2 bên cột sống thắt lưng và ép sát vào thành bụng sau.
- Đường kính niệu quản khi căng vào khoảng 5mm, đều từ trên xuống dưới trừ 3 chổ hẹp: khúc nối bể thận – niệu quản, nơi niệu quản bắt chéo ĐM chậu.
- Đường kính niệu quản khi căng khoảng 5 mm, đều từ trên xuống dưới trừ 3 chỗ hẹp: chỗ nối tiếp bể thận niệu quản, chỗ bắt chéo động mạch chậu, chỗ niệu quản ở trong thành bàng quang.
- Chiều dài niệu quản thay đổi theo chiều cao của cơ thể, giới tính, vị trí của thận và bàng quang. Trung bình niệu quản dài khoảng 25-28 cm, bên trái dài hơn bên phải vì thận trái cao hơn.
- Thành niệu quản dầy khoảng 1 mm, được cấu tạo gồm ba lớp:
     + Lớp niêm mạc: liên tục với niêm mạc bể thận ở trên và niêm mạc bàng quang ở dưới.
     + Lớp cơ: có ba lớp cơ dọc, cơ vòng, và ngoài cùng chỉ có vài bó cơ  dọc.
     + Lớp bao ngoài: bao bọc bên ngoài.

- Phân chia các đoạn niệu quản: có nhiều cách phân chia niệu quản:
    + Cách 1: Niệu quản chia làm 2 đoạn: đoạn bụng đi từ bể thận tới đường cung xương chậu và đoạn chậu hông đi từ đường cung xương chậu tới bàng quang, mỗi đoạn dài 12,5-14 cm.
    + Cách 2: Niệu quản chia làm 4 đoạn: đoạn thắt lưng (dài 9-11 cm), đoạn chậu (dài 3-4 cm), đoạn chậu hông (dài 12-14 cm), và đoạn bàng quang (dài 1-1,5 cm)[9].
    + Cách 3: Dựa vào chụp X quang bộ niệu không sửa soạn thẳng, chia niệu quản thành 3 đoạn từ trên xuống dưới: 1/3 trên là đoạn nằm bên trên khớp cùng chậu, 1/3 giữa là đoạn niệu quản nằm dọc khớp cùng chậu, 1/3 dưới là đoạn nằm dưới khớp cùng chậu.

2. Niệu quản đoạn bụng:
- Đi từ bể thận tới đường cung xương chậu. Niệu quản đoạn này đi xuống dưới và vào trong.
- Các liên quan:
+ Ở phía sau: với cơ thắt lưng và mỏm ngang 3 đốt sống thắt lưng cuối. Niệu quản bắt chéo ở trên với TK sinh dục đùi và ở dưới với ĐM chậu ngoài (bên P) hay ĐM chậu chung (bên T) rồi đi vào trong chậu đều cách đường giữa bên 4-5 cm. ĐM chậu chung phân nhánh ở ngang mức góc nhô và cách góc nhô 3.5cm ( bên P) và 4.5 cm (bên trái).
+ Ở phía trước: niệu quản được phúc mạc che phủ, có ĐM tinh hoàn hay ĐM buồng trứng bắt chéo qua phía trước. Bên phải phần trên niệu quản và bể thận cong liên quan với đoạn xuống tá tràng, rễ mạc treo kết tràng ngang và các nhánh ĐM của kết tràng P. Bên trái, phần trên niệu quản liên quan với rễ mạc treo kết tràng ngang và trước nữa là ĐM kết tràng trái.
+ Ở trong: niệu quản phải liên quan với TM chủ dưới, NQ trái với ĐM chủ dưới.

3. Niệu quản đoạn chậu hông:
- Đi từ đường cung xương chậu đến bàng quang, đi cạnh động mạch chậu trong rồi chạy chếch ra ngoài và ra sau theo đường cong của thành bên chậu. Tới nền chậu hông, chỗ gai ngồi, niệu quản vòng ra phía trước và vào trong để tới bàng quang.
- Muốn tìm niệu quản vùng chậu thì tìm chỗ niệu quản bắt chéo động mạch chậu, cách đường giữa 4,5 cm, bắt chéo động mạch chậu ngoài (niệu quản bên phải) hay động mạch chậu chung (niệu quản bên trái).
- Niệu quản phải đi trước động mạch chậu trong, niệu quản trái đi ở phía trong và sau động mạch chậu trong.
- Phía sau niệu quản là khớp cùng-chậu, cơ và mạc bịt trong. Bó mạch thần kinh bịt bắt chéo phía sau niệu quản.
- Phía trước niệu quản:
     + Ở nam: niệu quản rời thành chậu, chạy ra trước và vào trong, lách vào giữa mặt sau bàng quang và túi tinh rồi cắm vào bàng quang.
     + Ở nữ: niệu quản rời thành chậu, rồi chui vào đáy dây chằng rộng và bắt chéo phía sau động mạch tử cung ở giữa dây chằng rộng. Chỗ bắt chéo này cách cổ tử cung và thành âm đạo 8-15 mm. Động mạch tử cung lúc đầu ở ngoài và sau niệu quản, nhưng ngay chỗ bắt chéo thì nằm trước niệu quản và đi vào trong niệu quản.
- Niệu quản cắm vào bàng quang, chạy chếch vào trong, ra trước, và xuống dưới, chạy trong thành bàng quang. Đoạn nội thành bàng quang dài khoảng 2 cm. Hai lổ niệu quản mở vào bàng quang bằng hai khe nhỏ (lổ niệu quản) cách nhau 2,5 cm khi bàng quang rỗng và 5 cm khi bàng quang đầy.

4. Mạch máu:
4.1. Động mạch:
- Niệu quản đi từ trên xuống được nuôi dưỡng bởi nhiều mạch máu.
- Nhánh của ĐM thận: cung cấp máu cho bể thận và phần trên niệu quản
- Nhánh cảu ĐM tinh hoàn hay buồng trứng: nuôi dưỡng phần trên của đoạn niệu quản bụng.
- Nhánh của ĐM chậu chung: nuôi dưỡng phần dưới đoạn niệu quản bụng.
- Nhánh động mạch bàng quang dưới hoặc đôi khi nhánh của động mạch trực tràng giữa nuôi dưỡng niệu quản chậu.
4.2. Tĩnh mạch:
Máu trở về từ niệu quản đổ vào các tĩnh mạch tương ứng đi kèm.
5. Bạch mạch:
Đổ vào các hạch bạch huyết thắt lưung và bạch huyết dọc theo ĐM chậu trong.
6. Thần kinh:
- Thần kinh đến niệu quản đi từ đám rối thận và đám rối hạ vị gồm các sợi vận động cho cơ trơn niệu quản và các sợi cảm giác mang cảm giác đau khi có sự căng đột ngột thành niệu quản.


0 comments:

Post a Comment