Monday, November 2, 2015

GIẢI PHẪU HỌC THẬN

GIẢI PHẪU HỌC THẬN
Bs Nguyễn Tiến Trung

1. Hình thể ngoài:
- Thận hình hạt đậu, màu nâu đỏ, bề mặt trơn láng nhờ được bao trong một bao xơ mà bình thường có thể bóc ra dễ dàng.
- Mỗi thận có:
+ 2 mặt: mặt trước lồi và mặt sau phẳng
+ 2 bờ: bờ ngoài lồi; bờ trong lồi ở phần trên và dưới, còn phần giữa bờ trong lõm sâu gọi là rốn thận là nơi động mạch vào thận, tĩnh mạch và niệu quản ra khỏi thận.
+ 2 đầu: trên và dưới.
- Thận ở thai nhi hình nhiều múi, các thuỳ này thường có lúc mới sinh và dần dần sẽ biến mất, nhưng ở người trưởng thành đôi khi cũng có hình múi do kém phát triển.
- Do bị gan đè. Thận P thường hơi ngắn hơn và rộng hơn thận T.
- Bướu lạc đà: có 1 chỗ phình nhô lên trên nhu mô thận dọc theo bờ ngoài của thận. Đây là 1 dạng bình thường không phải bệnh lý, và thông thường có ở thận T nhiều hơn thận P, và nguyên nhân được cho là do sự đè xuống của lách hay từ gan.

2. Kích thước:
    Thận cao khoảng 10-12 cm, rộng 5-7cm, và dày 3 cm (chiều trước sau), thường mỗi thận nặng 150g ở nam, và 135g ở nữ.

3. Vị trí:
- Thận nằm sau phúc mạc, trong góc hợp bởi xương sườn 11 và cốt sống thắt lưng, ngay phía trước cơ thắt lưng. Trục lớn của thận chạy chếch từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và từ trước ra sau.
- Thận hơi xoay quanh trục lớn, mặt trước vừa nhìn ra trước vừa nhìn ra ngoài, mặt sau vừa nhìn ra sau vừa nhìn vào trong.


- Thận phải thấp hơn thận trái khoảng 2cm, có thể do gan đè.
- Vị trí của thận có thể hơi thay đổi theo nhịp thở và tư thế.
- Ở tư thế nằm: thận P ngang mức môn vị và cách đường giữa dưới rốn khoảng 4cm, rốn thận T hơi cao hơn mức này.
- Đối chiếu lên thành cơ thể (Bóng thận có thể thấy trên phim X quang bụng không chuẩn bị)
+ Rốn thận T ở ngang mức mỏm ngang đốt sống TL1 hay ở giao điểm giữa bờ ngoài cơ khối cơ dựng sống và bờ dưới xương sườn 12. Đầu trên thận T ngang bờ trên xương sườn 11, đầu dưới cách điểm cao nhất mào chậu khoảng 5cm.
+ Đầu trên thận P ở ngang bờ dưới xương sườn 11, đầu dưới cách mào chậu khoảng 3cm.


4. Mạc thận:
- Mỗi thận và tuyến thượng thận cùng bên được bao bọc trong 1 mạc thận. Giữa thận và tuyến thượng thận, mạc thận có 1 trẽ ngang ngăn cách 2 cơ quan này.
- Mạc thận gồm 2 lá:
+ Ở phía trên tuyến thượng thận: 2 lá mạc thận chập vào nhau và dính vào lá mạc ở mặt dưới cơ hoành.
+ Ở dưới: 2 lá mạc sát nhau nhưng vẫn riêng biệt, rồi hoà lẫn vào lớp mô ngoài phúc mạc, và có thể hoà lẫn vào mạc chậu.
+ Ở trong: lá sau hoà lẫn vào mạc cơ thắt lưng và qua đó đến bám vào thân các đốt sống thắt lưng. Lá trước đi trước bó mạch thận và động mạch chủ rồi liên tiếp với lá trước bên đối diện. Tuy nhiên 2 lá phải và trái đều dính vào cuống thận và các tổ chức liên kết quanh các mạch máu ở rốn thận nên 2 ổ thận không thông với nhau.
+ Ở ngoài: 2 lá cũng chập vào nhau và hòa lẫn vào mô liên kết ngoài phúc mạc.
- Có quan điểm nhiều quan điểm:
+ Mạc thận xuất phát từ mạc ngang: nên ở ngoài nó sẽ hoà lẫn vào mạc ngang.
+ Mạc thận được tạo nên do sự dày lên của lớp mô ngoài phúc mạc, hay là lớp mô liên kết của phúc mạc.
- Mạc thận ngăn cách với bao xơ của thận bởi 1 lớp mỡ gọi là bao mỡ hay lớp mỡ quanh thận. Còn lớp mỡ ngoài mạc thận gọi là lớp mỡ cạnh thận.

5. Liên quan:
5.1. Phía trước:
5.1.1. Thận phải:
- Thận phải nằm gần hết trong tầng trên mạc treo kết tràng ngang nhưng ngoài phúc mạc.
- Đầu trên và phần trên bờ trong liên quan với tuyến thượng thận
- Bờ trong và cuống thận liên quan với phần xuống của tá tràng. Bờ này cũng gần tĩnh mạch chủ dưới.
- Một phàn lớn mặt trước thận phải liên quan với vùng gan ngoài phúc mạc, phần còn lại liên quan với góc kết tràng phải và ruột non.
5.1.2. Thận trái:
- Thận trái nằm 1 nửa ở tầng trên, 1 nửa ở tầng dưới mạc treo kết tràng ngang, có rễ mạc treo kết tràng ngang nằm bắt chéo phía trước.
- Đầu trên và phần trên ở bờ trong cũng liên quan với tuyến thượng thận.
- Dưới đó lần lượt liên quan với mặt sau dạ dày qua túi mạc nối, với thân tụy và lách, với góc kết tràng trái, phần trên kết tràng xuống và ruột non.
5.2. Phía sau:
- Mặt sau là mặt phẫu thuật của thận. Xương sườn 12 nằm chắn ngang thận ở phía sau chia là 2 tầng: tầng ngực ở trên, tầng thắt lưng ở dưới.
- Tầng ngực: liên quan chủ yếu với xương sườn 11 và 12, cơ hoành và ngách sườn – hoành của màng phổi.
- Tầng thắt lưng: từ trong ra ngoài, mặt sau thận ở tầng thắt lưng, liên quan với cơ thắt lưng, cơ vuông thắt lưng và cơ ngang bụng.
5.3. Phía trong:
- Từ sau ra trước mỗi thận liên quan với:
+ Cơ thắt lưng và phần bụng của thân thần kinh giao cảm ở bờ trong cơ này.
+ Bó mạch tuyến thượng thận, bó mạch thận, bể thận và phần trên niệu quản, bó mạch tinh hoàn hay buồng trứng, tĩnh mạch chủ dưới (thận phải) và động mach chủ bụng (thận trái).
5.4. Phía ngoài:
Liên quan phía ngoài không quan trọng, chủ yếu là các cơ thành bụng trước bên.

6. Hình thể trong:
6.1. Đại thể:
- Thận được bọc trong 1 bao sợi. Nhìn trên thiết đồ đứng ngang qua thận: ở giữa là xoang thận, thần kinh và bể thận đi qua. Bao quanh xoang thận là khối nhu mô thận hình bán nguyệt.
6.1.1. Xoang thận:
 Xoang thận thông ra ngoài ở rốn thận. Thành xoang có nhiều chỗ lồi lõm. Chỗ hình nón gọi là nhú thận. Nhú thận cao khoảng 4-10 mm. Đầu nhú có nhiều lỗ của ống sinh niệu đổ nước tiểu vào bể thận. Chỗ lõm úp nhú thận gọi là các đài thận nhỏ. Thường mỗi thận có từ 7-14 đài thận nhỏ, hợp lại thành 2-3 đài thận lớn. Các đài thận lớn hợp lại thành bể thận. Bể thận nối tiếp với niệu quản.
 

6.1.2. Nhu mô thận:
- Tủy thận: được cấu tạo gồm nhiều khối hình nón gọi là tháp thận. Đáy tháp quay về phía bao thận, đỉnh hướng về xoang thận tạo nên như thận. Tháp thận thường nhiều hơn nhú thận. Ở phần giữa thận, 2-3 tháp thường chung nhau 1 nhú thận; còn ở 2 cực có khi 6-7 tháp chung 1 nhú thận; Các tháp thận sắp xếp thành 2 hàng dọc theo 2 mặt trước và sau thận.
- Vỏ thận:
+ Cột thận: là phần nhu mô nằm giữa các tháp thận
+ Tiểu thùy vỏ: là các phần nhu mô từ đáy thận tới bao sợi. Tiểu thuỳ vỏ lai chia thành 2 phần: phần tia gồm các khối hình tháp nhỏ, đáy nằm trên đáy tháp thận, đỉnh hướng ra bao sợi thận và phần lượn là phần nhu mô xen giữa phần tia.


6.2. Vi thể:
Nhu mô thận được cấu tạo chủ yếu bởi những đơn vị chức năng thận là nephron. Mỗi nephron gồm: 1 tiểu thể thận và 1 hệ thống ống sinh niệu. Tiểu thể thận gồm 1 bao ở ngoài và bên trong là 1 cuộn mao mạch. Hệ thống sinh niệu gồm: các tiểu quản lượn, ống lượn gần, quai Henlé, ống lượn xa, và ống thu thập. Quai Henlé, ống thẳng, ống thu thập nằm trong phần tia của vỏ thận và tủy thận. Mỗi phần của nephron có 1 vai trò riêng trong việc bài tiết, hấp thu nước và 1 số chất trong quá trình thành lập nước tiểu.
7. Mạch máu và thần kinh:
7.1. Động mạch:
- Động mạch thận xuất phát từ động mạch chủ bụng, ngay dưới ĐM mạc treo tràng trên. ĐM thận phải dài hơn và hơi thấp hơn ĐM thận trái. Đối chiếu lên cột sống, nguyên ủy của ĐM thận phải ở khoảng ngang thân đốt sống TL1.
- Mỗi ĐM thận nằm sau TM tương ứng.
         
7.1.1. Ngành cùng:
- Khi tới gần rốn thận, mỗi ĐM thận chia làm 2 ĐM: nhánh trước và nhánh sau. Các nhánh ĐM mạch này thường chia ra khoảng 5 nhánh ĐM nhỏ đi vào xoang thận, 1 nhánh đi ở phía sau trên bể thận, các nhánh còn lại đi ở phía trước bể thận. Các nhánh ĐM khi vào xoang thận sẽ cung cấp máu cho từng mô thận riêng biệt, gọi là phân thùy thận.
- Chia 5 phân thùy theo ĐM: Phân thùy trên, trước – trên, trước – dưới, dưới và sau.

 

- Các nhánh của Đm thận ở phía trước cung cấp máu cho 1 khu rộng hơn nhánh ở phía sau. Ở giữa 2 khu có 1 vùng ít mạch máu hơn gọi là đường Hyrtl. Đường này là 1 đường cong, cách bờ ngoài thận về phía sau khoảng 1cm.

- Trong xoang thận, các ĐM thận chia ra những nhánh đi vào nhu mô thận ở giữa các tháp gọi là ĐM gian thùy thận. Khi tới tháp thận, ĐM gian thùy thận chia thành các ĐM cung nằm trên đáy tháp. Từ ĐM cung đi về phía vỏ thận (phần lượn) có các nhánh ĐM gian tiểu thùy, rồi cho các nhánh ĐM nhập đi vào tiểu thể thận. Trong bao tiểu thể thận, nhánh ĐM nhập sẽ tạo nên 1 cuộn mao mạch nằm gọn trong bao rồi từ đó đi ra khỏi bao bởi nhánh ĐM xuất. Nhánh ĐM xuất sau đó lại chia thành 1 lưới mao mạch xung quanh hệ thống ống sinh niệu rồi dẫn máu trở về hệ tĩnh mạch. Vì vậy, có thể gọi ĐM xuất là 1 hệ thống ĐM cửa.
- Đi về phía xoang thận có các tiểu ĐM thẳng cấp máu cho tháp thận, những tiểu ĐM này có thể tách từ ĐM cung.
         


7.1.2. Ngành bên và ngành nối:
- Ngành bên: gồm các ĐM: ĐM tuyến thượng thận dưới, nhánh ĐM cho niệu quản.
- Ngành nối (vòng ĐM ngoài thận)
+ Các nhánh của ĐM thận không nối với nhau ở trong thận
+ Mặt ngoài thận ĐM thận thông nối với các ĐM lân cận như: ĐM hoành dưới, ĐM sinh dục, ĐM kết tràng tạo nên các vòng nối ngoài thận nằm trong lớp mỡ quanh thận.

7.2. Tĩnh mạch:
- Tĩnh mạch bắt nguồn từ vỏ và tủy thận.
- Trong vỏ thận: TM bắt nguồn từ các tiểu TM sao đổ vào các tiểu TM gian tiểu thùy.
- Trong tủy thận: RM bắt nguồn từ các tiểu TM thẳng, các TM ở cả hai vùng thận sau đó đều đổ vào các TM cung, rồi tập trung về TM gian thùy, TM thận và cuối cùng đổ vào TM chủ dưới.
7.3. Bạch mạch:
Các bạch mạch ở thận chủ yếu đổ vào các hạch bạch huyết quanh cuống thận.
7.4. Thần kinh:
- Thận được phân phối thần kinh tù các nhánh của đám rối thận, thuộc hệ thần kinh tự chủ đi dọc theo ĐM thận. Hầu hết là các TK vận mạch.
- Các TK cảm giác đau chủ yếu ở bể thận, đi vào tủy gai qua các TK tạng.


0 comments:

Post a Comment